Singapore tiếp tục giữ vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2019. Tuy nhiên năm nay vị trí số 1 này còn có tên Paris và Hong Kong.
Tính tới năm 2019, Singapore đã liên tiếp đứng đầu bảng Khảo sát Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu của Economist Intelligence Unit (EIU) 5 năm, tuy nhiên, Paris và Hong Kong vừa “nhảy” lên đứng cùng vị trí số một với quốc đảo sư tử, theo Bloomberg.
Trong khi Zurich và Geneva đã lọt vào top 5, New York và Los Angeles vừa mới giành lại vị trí trong top 10 – lần lượt xếp thứ 7 và 10 – sau khi rơi xuống vị trí 13 và 14 trong năm 2018 vì đồng USD suy yếu.
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới. (Nguồn: Economist Intelligence Unit)
Cuộc khảo sát trên được thiết kế nhằm giúp các công ty tính toán chi phí sinh hoạt và thiết lập các gói lương phù hợp khi điều động nhân viên ra nước ngoài làm việc hoặc công tác.
Bộ ba thành phố đắt đỏ nhất thế giới – Singapore, Paris và Hong Kong – đắt đỏ hơn 7% so với New York, theo tổng hợp từ một cuộc khảo sát của hơn 160 sản phẩm và dịch vụ trên 93 quốc gia do EIU thực hiện.
Thành phố cảng Osaka của Nhật Bản cũng vừa quay trở lại top 10 một cách ngoạn mục sau khi nhảy vọt 6 bậc lên vị trí thứ 5. Trong khi Seoul xếp hạng 7, Copenhagen đồng hạng 7, Tel Aviv xếp hạng 10.
“Đồng nội tệ yếu hơn đã đẩy tất cả 5 thành phố của Australia và 2 thành phố của New Zealand xuống cuối bảng xếp hạng”, EIU cho hay. Đồng thời, tổ chức này còn nhấn mạnh sự vắng mặt của Sydney sau khi thành phố này trụ hạng 10 trong bảng báo cáo năm ngoái.
Singapore, Paris và Hong Kong cùng chia sẻ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng.
Ngoài top 10, EIU cho hay chi phí sinh hoạt của các thành phố tại Trung Quốc duy trì tương đối ổn định, trong khi các điểm đến tại Đông Nam Á tiếp tục thăng hạng.
Theo EIU, một trong những nhân tố đằng sau sự hiện diện mạnh mẽ của châu Á trong bảng xếp hạng chính là do một số thành phố thuộc khu vực này nằm trong nhóm những địa điểm mua sắm tạp hóa đắt nhất thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù một số thành phố châu Á là nơi đắt đỏ nhất trên thế giới, vẫn có nhiều thành phố thuộc châu lục này nằm cuối danh sách.
“Tại châu Á, đồng tiền thường có giá trị cao nhất ở những thành phố Nam Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Pakistan”, EIU cho hay. “Bangalore, Chennei, New Delhi và Karachi đều nằm trong nhóm 10 thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất trong cuộc khảo sát”.