‘Sốt đất’ ở Quảng Nam làm ‘tê liệt’ giải phóng mặt bằng các dự án công

UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Xây dựng và các ngành liên quan công bố, công khai các dự án đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng; chấn chỉnh tình trạng “cò” đất thổi giá lên cao làm đảo lộn thị trường, ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án công.
Lãnh đạo thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc hiện có 79 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại. Đến nay mới chỉ có 2 dự án hoàn thành là khu dân cư phố chợ Điện Ngọc và khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp; 7 dự án cơ bản hoàn thành, gồm: Khu đô thị số 1A; khu đô thị số 1B; khu dân cư mới Thái Dương 1; khu đô thị DAT QUANG Green City; khu đô thị An Phú Quý; khu đô thị Ngân Câu-Ngân Giang.

Sốt đất ở Quảng Nam làm tê liệt giải phóng mặt bằng các dự án công - Ảnh 1.

Dự án đất nền tại Khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam).

Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, hơn 1 năm qua, tình trạng bán đất nền diễn ra rầm rộ tại các khu vực giáp ranh với thành phố Đà Nẵng và khu vực ven biển. Các nhà đầu tư, nhà môi giới liên tục tung ra những chiêu trò đẩy giá đất lên cao khiến thị trường bất động sản lên xuống bất thường.Trong 79 dự án, hiện có 71 dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định giao chủ đầu tư nhưng chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư. Trong đó, 23 dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư và điều kiện khởi công xây dựng nhưng đã triển khai thi công xây dựng; 48 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều dự án bất động sản tại đây đã tiến hành huy động vốn khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.
Theo ông Trần Úc, bất cập về mặt quản lý hiện nay là giá đất đẩy lên cao nhưng Nhà nước không thu được đồng nào về giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, vì không kiểm soát được giá đất nên đã gây hệ quả là rất nhiều dự án công ở thị xã Điện Bàn trong gần 1 năm qua không triển khai được khi mức đền bù của nhà nước thấp hơn nhiều so với giá đất ngoài thị trường.
“Chính giá đất đẩy lên cao như thế làm cho thị trường bất động sản méo mó, đến một khi nào đó giá đất tụt xuống thì dẫn tới khoản vay đầu tư bất động sản, tính thanh khoản sẽ “chết”. Như vậy kéo theo hệ lụy về ngân hàng. Còn trong thực tế chính quyền địa phương thì hiện nay, tuyến du lịch ven biển, các dự án công, tuyến ĐT, ĐX đang triển khai giải phóng mặt bằng đều không giải phóng mặt bằng được. Bởi vì người ta so sánh giá đất ở hiện nay (nhà nước áp giá đền bù) so với giá thị trường chênh lệch gấp 3 – 4 lần và họ không đồng ý” – ông Trần Úc nói.

Sốt đất ở Quảng Nam làm tê liệt giải phóng mặt bằng các dự án công - Ảnh 2.

Ki ốt giao dịch bất động sản mọc lên khắp nơi.

 

Tình trạng “sốt đất” ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam không chỉ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Nhiều diện tích đất đã giao nhà đầu tư nhưng thực hiện cầm chừng. Không ít nhà đầu tư, sàn giao dịch bất động sản lợi dụng dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây lãng phí quỹ đất.
Ông Trịnh Xuân Thái, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, khu vực ven biển thị xã Điện Bàn cũng như vùng giáp ranh giữa thị xã Điện Bàn với thành phố Đà Nẵng mọc lên rất nhiều ki-ốt giao dịch bất động sản. Những ki ốt, điểm giao dịch này hoàn toàn bất hợp pháp, cần phải dẹp bỏ.
“Vừa rồi Thanh tra có ban hành văn bản và đề nghị Điện Bàn phối hợp để vừa kiểm tra, vừa xử lý và dẹp ngay các ki ốt đó khi không đủ điều kiện. Kiểm tra luôn ở góc độ trật tự xây dựng. Anh làm 1 ki ốt trên đất đó có đúng trật tự xây dựng hay không. Có 2 nội dung để có căn cứ để dẹp tất cả các ki ốt bất hợp pháp đó” – ông Trịnh Xuân Thái cho biết.

Sốt đất ở Quảng Nam làm tê liệt giải phóng mặt bằng các dự án công - Ảnh 3.

Nhiều dự án bất động sản ở Điện Bàn chưa hoàn chỉnh hạ tầng vẫn mở bán.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương thông tin kịp thời về tình trạng “sốt đất” hiện nay. Đồng thời yêu cầu công bố công khai trên website Sở Xây dựng về tính pháp lý của các dự án bất động sản. Những dự án nào đủ điều kiện về mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, những dự án nào đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải công bố để người dân biết. UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường công tác giám sát của nhà nước đối với việc kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Những dự án bất động sản nào đầu tư kinh doanh không phù hợp với quy định, cố tình làm giá phải được chấn chỉnh kịp thời.

“UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ việc này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhấn mạnh lại những thông tin đồn thổi gần đây là hoàn toàn không chính xác. Ví dụ như một bộ phận của thị xã Điện Bàn nhập về Đà Nẵng thì hoàn toàn không đúng. Thứ 2 là có những quy định, thông tin về điều chỉnh quy hoạch, bố trí quy hoạch, thậm chí giả chữ ký của lãnh đạo tỉnh về triển khai các dự án lớn ở khu vực Hội An cũng hoàn toàn không đúng” – ông Lê Trí Thanh khẳng định.

Nguồn