Tham gia buổi tọa tàm có các diễn giả là đại diện của các cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp tư nhân.(Ảnh: Thu Hà)
Doanh nghiệp tư nhân cần làm gì để bứt phá?
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận vai trò và đóng góp của doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những vấn đề chính mà Tọa đàm bàn luận đó là vấn đề doanh nghiệp tư nhân bứt phá trong tăng trưởng kinh tế. Với vai trò là diễn giả, ông Kyle Kelhofer – Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cho rằng, năm 2018 có rất nhiều thị trường đang nổi, tuy nhiên tăng trưởng GDP rất thấp. Nhưng ngược lại, Việt Nam lại có một năm rất tốt. Đó chính là sự bứt phá. “Rõ ràng, Việt Nam đang có những nỗ lực và Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để phát triển kinh tế tư nhân. Khối kinh tế tư nhân Việt Nam đang ngày càng ổn định và phát triển, Việt Nam cần duy trì điều đó”, ông Kyle Kelhofer khẳng định.
Cũng chia sẻ về vấn đề này tại Tọa đàm, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, tuy cải cách hành chính có giảm và thủ tục thuận lợi hơn nhưng vẫn còn không ít những thủ tục làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Theo TS. Phan Hữu Thắng, nếu muốn doanh nghiệp tư nhân bứt phá thì chất lượng quản lý nhà nước các cấp, các ngành, các vùng phải có sự bứt phá thực sự.
Từ đó, TS. Phan Hữu Thắng đưa ra ba điều kiện nếu muốn các doanh nghiệp tư nhân bứt phá: Thứ nhất, cần phải nâng cao chất lượng. Thứ hai, Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và thứ ba, các doanh nghiệp cần phải khai thác hiệu quả nguồn vốn ở bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn FDI.
Còn về phía doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho rằng, doanh nghiệp tư nhân muốn bứt phá phải phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là Chính phủ có tạo điều kiện hay không và bản thân doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực, đủ trình độ và quyết tâm bứt phá hay không.
“Bản thân như doanh nghiệp của tôi tuy mới thực hiện chuyển đổi công ty được mấy tháng nhưng trong kế hoạch, doanh thu của Vinaconex xây dựng cho năm 2019 đạt tăng trưởng 50% và lợi nhuận tăng trưởng 30%. Đấy chính là bứt phá. Bản thân doanh nghiệp phải tự lo cho mình và phải bứt phá, nhưng để làm được điều đấy thì phải có một cơ chế.”
Là đại diện một doanh nghiệp nhỏ, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân chia sẻ, doanh nghiệp tư nhân chắc chắn là phải bứt phá. Nhưng vấn đề bứt phá ở đây không chỉ là vấn đề chỉ tiêu kinh tế mà còn là bứt phá về quy trình kinh doanh, về tư duy và cải cách thủ tục hành chính.
Đại diện về phía cơ quan Nhà nước, diễn giả – ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cho biết, với nguồn vốn 1,5 triệu tỷ mà doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước đang nắm giữ thì phải phát huy hiệu quả sử dụng đồng vốn này lên. Đồng thời, phải cải cách thể chế, mở rộng môi trường kinh doanh để tỷ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế ngày càng lớn.
“Tôi cho rằng, cần phải tạo môi trường bình đẳng để doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, hoàn toàn là doanh nghiệp tư nhân chiếm đất đai làm bất động sản chứ không có doanh nghiệp nhà nước. Thặng dư về bất động sản và chênh lệch địa tô là doanh nghiệp tư nhân chiếm nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Do đó, cần phải có cái nhìn khách quan hơn”, ông Kiên nhấn mạnh.
Có nên giảm thiểu doanh nghiệp nhà nước?
Trong những năm tới đây, không chỉ bứt phá trong tăng trưởng kinh tế mà doanh nghiệp tư nhân còn cần phải bứt phá trong môi trường kinh doanh. Đây là vấn đề thứ hai được đưa ra bàn luận tại Tọa đàm. Xoay quanh vấn đề này, diễn giả – ông Nguyễn Văn Thân – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng cho rằng, một doanh nghiệp tư nhân muốn bứt phá được trong môi trường kinh doanh thì cần phải có nhiều điều kiện. Bên cạnh đó, Chính phủ phải đồng hành rất công tâm thì doanh nghiệp tư nhân mới phát triển được.
Tại buổi Tọa đàm, một đại diện một doanh nghiệp tư nhân cho rằng, hiện nay, còn quá nhiều đoàn thanh tra đối với các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó làm giảm đi cơ hội và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cũng lên tiếng cho các doanh nghiệp tư nhân, với vai trò là diễn giả, ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt chia sẻ: “Muốn bứt phá, chúng tôi cần phải có một con đường. Doanh nghiệp chúng tôi cần một cái cực kỳ đơn giản đó là minh bạch thông tin và làm rõ chức năng, trách nhiệm, quyền hạn. Đấy là điều mà cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận.”
Ở góc nhìn khác, có mặt tại Tọa đàm, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico đưa ra một số ý kiến cho rằng, hiện nay, cần phải giảm thiểu doanh nghiệp nhà nước về số lượng và quy mô. Đồng thời, nhà nước điều tiết thị trường nhưng đừng tranh kinh doanh với thị trường.
Bên cạnh đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, có 7 điều Nhà nước cần phải xóa bỏ đó là xóa bỏ con dấu doanh nghiệp, xóa bỏ ít nhất 1/3 các ngành nghề kinh doanh và ít nhất 1/2 điều kiện kinh doanh, xóa bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh, xóa bỏ ranh giới giữa công ty TNHH và công ty cổ phần nước ngoài, xóa bỏ Luật Đầu tư, xóa bỏ hộ kinh doanh và cuối cùng là xóa bỏ kiểu cách đổi mới.
“Nếu không có những đột phá chính sách thực sự thì sẽ không có chuyện bứt phá đúng nghĩa”, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề trên, TS. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cả Nhà nước và doanh nghiệp cần có những bứt phá. Đối với doanh nghiệp, vị chuyên gia này cho rằng cần có 3 bứt phá. Thứ nhất là bứt phá về tiêu chuẩn, quy chuẩn mang tính quốc tế hóa; thứ hai là bứt phá trên cơ sở bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; thứ ba là bứt phá mạnh mẽ trong tính cộng đồng và liên kết chuỗi.
Còn đối với Nhà nước, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng cần bứt phá ba điểm: Thứ nhất là về giá trị chuẩn quốc gia (giá trị tốt nhất của CNXH, giá trị tốt nhất của dân tộc và giá trị tối nhất của thế giới). Thứ hai là về cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia. Thứ ba là bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và cán bộ.
Trong đó, Nghị quyết 01 nêu rõ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực, một bứt phá cho tăng trưởng kinh tế sắp tới.
- Hải Phòng khởi công dự án chung cư theo hình thức BT tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng
- “Khát”cho thuê căn hộ cao cấp cho thuê khu vực trung tâm TP.HCM
- Vietcombank ký kết thỏa thuận liên ngành với Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Đức rót gần 113 triệu USD vốn đầu tư vào 70 dự án ở Hà Nội
- Thương hiệu quản lý resort Crown Royal Corp mở văn phòng tại Việt Nam