Chuyện buồn phía sau ‘bức tranh’ đô thị

Hàng loạt dự án đô thị tại huyện Mê Linh, Hà Nội với hàng nghìn ha đất nông nghiệp đang trong tình trạng bỏ hoang hơn chục năm nay.
Người dân sinh sống quanh các khu đô thị trên địa bàn huyện Mê Linh cho biết, dự án được duyệt bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm các hộ ở đây mất việc làm, cuộc sống không ổn định.

Mê Linh: Chuyện buồn phía sau bức tranh đô thị - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Thể, bà Thắng là một trong những hộ dân chịu hệ lụy từ các khu đô thị bỏ hoang

Bà Nguyễn Thị Thắng – người dân tại thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong cho biết, năm 2003 – 2004, một phần dự án của Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong đã lấy vào đất của làng hoa, gia đình bà bị mất 3 sào với mức đền bù 18,5 triệu đồng/sào.
“Thời điểm đó chính quyền có họp các hộ dân thông báo mỗi sào đất ruộng, ngoài việc được đền bù tiền (18,5 triệu đồng/sào) thì các hộ dân sẽ được trả phần đất dịch vụ tại các khu đô thị (2m2/khẩu và 10m2/sào) nhưng cụ thể như thế nào người dân chưa được thông báo và chưa có quyết định cụ thể. Sự việc trôi qua hơn chục năm nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Thắng nói.
Cũng theo người dân tại xã Tiền Phong, ngoài dự án triển khai trên đất làng hoa thì nhiều khu vực đất ruộng khác cũng được quy hoạch làm khu đô thị, làm nhà máy và các khu công nghiệp.
Năm 2010, dự án khu nhà ở Minh Giang triển khai đã đưa ra mức giá đền bù là 360 triệu đồng/sào, tuy nhiên sau khi trừ thuế, phí thì người dân chỉ nhận 294 triệu đồng/sào, trong đó bao gồm tiền đất, tiền đền bù hoa màu, cơ sở hạ tầng mà người dân đã đầu tư trước đó.

Mê Linh: Chuyện buồn phía sau bức tranh đô thị - Ảnh 2.

Một dự án nhà ở bất động hơn chục năm nay.

Cũng kể từ thời điểm các khu đô thị hứa hẹn được mọc lên, hàng chục hộ dân tại xã Tiền Phong đã rơi vào cảnh nghèo túng, mất việc làm, kèm theo hàng loạt hệ lụy xã hội khác. “Với số tiền đền bù 18,5 triệu đồng/sào, vừa đủ tiền mua cho con gái một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Giờ đây, con gái tôi đã lấy chồng nhưng không còn ruộng làm và không có công ăn việc làm ổn định”, bà Thắng cho biết.
Ông Hoàng Văn Thể (chồng bà Thắng) cho biết, đáng buồn hơn cả là gia đình ông Trịnh Văn Tân, ông Hoàng Thế Tạo trên địa bàn xã đã mất tới 7 sào đất trồng trọt. Với mức đền bù quá thấp, sau khi mất ruộng không có việc làm lại thêm bệnh hiểm nghèo nên cả gia đình đã phải sống trong cảnh bần hàn, nằm trong danh sách các hộ nghèo của xã.
Ông Hoàng Thế Viên, hộ dân khác bức xúc so sánh, cũng là thu mua đất ruộng, nhưng ở làng lân cận họ triển khai khu công nghiệp nên phần lớn con em nông dân sau khi không còn ruộng đã được tạo công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống.
“Rất nhiều lần chúng tôi nộp đơn kiến nghị tới UBND xã, UBND huyện và các cấp chính quyền đề xuất được giải quyết nhưng xã nói do huyện, huyện lại nói chờ cấp trên hoặc với điệp khúc “sang năm” sẽ giải quyết… Thực sự chúng tôi không biết phải trông chờ vào đâu”, ông Viên nói.
Các hộ dân cho biết, sự việc đã diễn ra nhiều nhiệm kỳ. Đặc biệt, cứ mỗi lần chuẩn bị bầu cử cho nhiệm kỳ mới người dân lại được xã thông báo, lên danh sách từng hộ để giải quyết nhưng xong lại để đó. “Câu chuyện đền bù đất tại xã Tiền Phong này nan giải và buồn lắm!” – ông Thể nói.

Mê Linh: Chuyện buồn phía sau bức tranh đô thị - Ảnh 3.

Người dân tại xã Tiền Phong, Mê Linh không có công ăn việc làm ổn định kể từ khi mất ruộng.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết: Trên địa bàn huyện có 47 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.800 ha. Trong đó, xã Tiền Phong là nơi tập trung nhiều dự án nhất với gần 20 dự án như: Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Cty CP Vinh Sơn trên 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Cty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Cty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Cty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Cty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha…
Về phía chủ đầu tư đều đưa ra lý do điều chỉnh lại quy hoạch do Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội khiến các dự án đều gặp khó trong giải phóng mặt bằng.
Kỳ II: Hệ luỵ “đón sóng”

Nguồn