Cả nghìn công trình vi phạm, trong đó có biệt thự ca sĩ Mỹ Linh
Chiều 21/3, Thanh tra TP Hà Nội công bố Kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay.
Theo Kết luận thanh tra, UBND huyện Sóc Sơn đã không kiên quyết chỉ đạo trong việc khắc phục vi phạm theo các kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP. UBND các xã đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều tồn tại, vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng…
Cụ thể, UBND huyện Sóc Sơn không tổ chức xử lý 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP. Do buông lỏng quản lý dẫn đến các công trình xây dựng mới trên đất rừng vẫn tiếp tục tăng, nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn trong quy hoạch rừng phòng hộ.
Theo Thanh Tra Hà Nội, có cả nghìn công trình “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn.
Đến năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn mới kiểm tra rà soát và xác định có 555 công trình vi phạm, nhưng không kiên quyết xử lý, đến nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.
“Tuy nhiên, việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều, chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong khu vực quy hoạch rừng đến thời điểm hiện nay đã có 797 công trình vi phạm”, Kết luận thanh tra nêu.
Liên quan đến những công trình vi phạm “khủng” tại các xã Minh Trí, Minh Phú mà báo chí phản ánh trước đó, kết luận thanh tra chỉ rõ: Tại khu vực đất lâm trường xã Minh Phú, có hộ ông Ngô Văn Cam được UBND huyện Sóc Sơn cho mượn đất, được cấp sổ lâm bạ diện tích 15 ha và được sử dụng khoảng 4 ha đất của lâm trường Sóc Sơn thu hồi để thực hiện dự án JIFPRO, tổng diện tích ông Cam sử dụng khoảng 19 ha.
Từ năm 2001 – 2005, ông Cam chuyển nhượng cho 55 hộ, diện tích gần 130.000 m2 (48 trường hợp nằm trong đất được UBND huyện Sóc Sơn cấp sổ lâm bạ, 7 trường hợp có đất nằm trong đất thực hiện dự án JIFPRO) các hộ đã xây dựng 69 công trình, diện tích gần 4.400 m2, còn lại ông Cam sử dụng gần 60.000 m2. Ông Cam đã xây dựng khu du lịch Thiên Phú Lâm 57.500 m2 gồm 21 hạng mục: nhà ăn, nhà hàng, khu nhà ở…
Về trường hợp nhà của ca sĩ Mỹ Linh, kết luận thanh tra cho biết, năm 2001 hộ ông Trương Anh Quân và bà Đỗ Mỹ Linh mua lại đất của ông Đỗ Xuân Lâm và đã được cấp sổ đỏ 600m2 đất ở từ năm 1997 trước khi có quy hoạch rừng năm 1998. Năm 2009, hộ ông Quân xây dựng 4 công trình và hạng mục phụ trợ khác.
Đến năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Sóc Sơn mới làm thủ tục hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và năm 2015, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện Sóc Sơn lại làm thủ tục sang tên và cấp đổ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Quân thuộc quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Tại thôn Minh Tân, xã Minh Phú có trường hợp tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden (hộ bà Lê Thị Lan Hương) sử dụng khoảng gần 20.000 m2 xây dựng 5 công trình kiên cố 2 – 3 tầng dạng biệt thự, diện tích xây dựng trên 1.000m2.
“Để xảy ra vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch và cán bộ địa chính xã Minh Trí, xã Minh Phú; Giám đốc BQL rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội; Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường; Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà huyện Sóc Sơn; Đội trưởng đội Thanh tra Xây dựng huyện Sóc Sơn (nay là Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện). Bên cạnh đó, có trách nhiệm của Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND huyện trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng giai đoạn từ 2008 đến nay. Ngoài ra, có trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra về trật tự xây dựng (giai đoạn 2014 – 2016) và trách nhiệm của Sở Tài nguyên – Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn 2 xã Minh Phú và Minh Trí (giai đoạn 2008 đến nay)”, Kết luận thanh tra khẳng định.
Chuyển hồ sơ sang công an
Từ những kết luận trên, Thanh tra TP đề nghị UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 đã không nghiêm túc thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP; buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm như kết luận nêu trên.
Thanh tra Hà Nội kiến nghị chuyển hồ sơ sang Công can TP để xử lý theo quy định. Trong ảnh: nhiều công trình xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn “phủ bạt” chờ xử lý.
Tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Đồng thời, Thanh tra TP cũng kiến nghị, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Được biết, trong ngày 21/3, Thanh tra TP cũng công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn có 10 xã và 1 thị trấn có đất rừng). Kết luận chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý quy hoạch; quản lý đất rừng phòng hộ; sử dụng đất, trật tự xây dựng… Tuy nhiên, kết luận không nêu cụ thể trường hợp vi phạm nào.
- Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99%, giá vé lượt dự kiến 7.000-15.000 đồng
- Khu Hòa Bình thành cao tầng, hồn Đà Lạt sẽ mất!
- Người Đức gốc Việt từng là phó thủ tướng Đức về VinaCapital làm việc
- Đầu tư đất nền vùng ven, ngoại ô, những bài học… học mãi không thuộc
- Phú Tài và tiềm năng BĐS Quy Nhơn; Thị trường đất Phú Quốc đang ra sao?…