VAFI: Ngân sách có thêm hàng trăm tỷ USD nếu buộc doanh nghiệp Nhà nước niêm yết

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc sửa Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp cần đảm bảo mục tiêu thu hút vốn, công nghệ cho nền kinh tế.

VAFI vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, góp ý vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi.

Hiệp hội này cho rằng, tinh thần sửa Luật Doanh nghiệp và Đầu tư lần này phải tăng hút vốn, công nghệ cho nền kinh tế, doanh nghiệp và ngân sách. Vì thế, nếu các luật này chỉ sửa đổi ít, sẽ tiếp tục là trở ngại lớn cho doanh nghiệp.

Góp ý một số sửa đổi cụ thể, VAFI đề nghị định nghĩa lại doanh nghiệp Nhà nước phải là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước, phải niêm yết trên thị trường chứng khoán và thuộc danh mục ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. “Việc triệt để khai thác nguồn vốn này có thể giúp ngân sách có hàng trăm tỷ USD cho đầu tư phát triển và giảm gánh nặng nợ vay”, Hiệp hội các nhà tài chính tính toán.

Sản xuất bóng đèn tại một doanh nghiệp trong nước.

Sản xuất bóng đèn tại một doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, tư duy “cứ ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài”, và phân biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với nhà đầu tư trong nước… cần được xoá bỏ. Thay vào đó, tổ chức này kiến nghị Thủ tướng ban hành danh mục hạn chế nhà dầu tư nước ngoài theo nguyên tắc rất hạn chế ở một vài ngành nghề đặc biệt có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng.

Những thay đổi trên được VAFI phân tích sẽ thu lợi ích rõ về kinh tế. Cụ thể, theo thông lệ quản trị doanh nghiệp tiên tiến thì doanh nghiệp sinh ra ở đâu sở hữu quốc tịch ở đó. Nếu không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ kích thích dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư Việt Nam vào các doanh nghiệp trong nước. Việc này giúp gia tăng mạnh nguồn vốn công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài, kích thích mạnh đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán phát triển. Sửa đổi chính sách này cũng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư FDI nhỏ và vừa vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Theo VAFI, hiện có nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng như thu hút vốn. Đây chính là hạn chế mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể nâng hạng được.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư lấy ý kiến. Lý giải việc sửa các luật này sau hơn 2 năm thực thi, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ. Việc sửa đổi lần này hướng tới mục tiêu hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Luật sửa đổi cũng nhằm cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh…

Anh Minh

Nguồn